Sau ngày Tình yêu

Vợ yêu,

Ngày tình yêu đã qua. Anh không tặng em hoa cũng chẳng tặng em quà. Những món hàng đó không tượng trưng được tình cảm anh dành cho em. Mỗi người có cách bày tỏ riêng.

Cảm ơn em đã nấu món đuôi tôm hùm cho cả nhà có một buổi ăn tối ngon miệng và tràn đầy tình cảm em dành cho gia đình trong ngày tình yêu. Còn anh thì không có gì tặng em ngoài những dòng chữ từ đáy lòng.

Anh thật sự may mắn và hạnh phúc vì giữa hai chúng ta có chữ tình mà không cần chữ tiền. Xung quanh anh đã chứng kiến quá nhiều mối quan hệ bị chữ tiền phá vỡ, từ mẹ con đến anh chị em đến họ hàng.

Em hiểu rõ anh hơn ai hết. Mình làm bao nhiêu, sống bấy nhiêu. Bề ngoài nhìn vô thấy anh rất thành công. Nào là giám đốc trường luật. Nào là thầy dạy trượt tuyết. Nào là nhà cố vấn chữ Việt. Nào là người làm việc tự do. Còn bề trong thì như em nói, “Anh chỉ có tiếng mà không có miếng”.

Sự thật phũ phàng nhưng anh chấp nhận. Giữa đam mê và mê tiền, anh chọn đam mê. Giữa sự nghiệp và gia đình, anh chọn gia đình. Khi anh thương yêu gia đình, vy họng gia đình thương lại anh. Khi anh thương yêu công việc, anh biết chắc chắn chẳng bao giờ công việc thương yêu lại anh. Nhất là tình trạng ở Mỹ hiện nay, không biết ngày nào sẽ mất việc.

Anh biết em đang lo ngại, “Nếu có Elon gõ cửa đến thăm”. Dù thế nào đi nữa anh cũng sẽ lo nổi cuộc sống gia đình.

Em đừng lo nhé!

Yêu,
Chồng

Trò chuyện với Khôi Trần về ký tự Việt

Khôi Trần là sinh viên năm cuối về môn học thiết kế ở trường đại học RMIT Hà Nội. Khôi đang trong quá trình làm dự án cuối cùng về đề tài typography trong nước. Để thiết kế cho tạp chí của mình, Khôi ao ước được phỏng vấn những người thiết kế dùng chữ và những người thiết kế chữ trong cộng đồng người Việt. Trải nghiệm đầu tiên của Khôi về typography Việt là qua Vietnamese Typography. Quyển sách là nguồn cảm hứng cho Khôi chọn dự án của mình. Khôi đã tìm đến tôi để trò chuyện.

Cuộc phỏng vấn dịch sang tiếng Việt

Tại sao các designer nước ngoài lại muốn thêm chữ tiếng Việt khi họ không dính líu gì đến ngôn ngữ này?

Thực sự thì khi chú thực hiện Vietnamese Typography, mục tiêu của chú không phải là các bạn thiết kế chữ. Lí do ban đầu của quyển sách là để nhấn mạnh việc các phông chữ phổ biến khi đó không hỗ trợ tiếng Việt. Dù vậy, sau khi cuốn sách được phát hành thì chú nhận ra là các bạn thiết kế chữ rất có hứng thú với việc thiết kế chữ tiếng Việt để các bộ chữ của họ có thể được sử dụng bởi nhiều người hơn. Để so sánh với các ngôn ngữ châu Á khác thì tiếng Việt sử dụng bảng chữ cái La-tinh thay vì chữ tượng hình. Việc này cho phép các nhà thiết kế có thể thiết kế chữ tiếng Việt mà không cần có hiểu biết về ngôn ngữ Việt; họ chỉ cần hiểu cách hoạt động của các dấu thanh thôi. Quyển sách từ đó đã cho họ kiến thức và sự tự tin cần thiết để thử sức với các ký tự Việt.

Luận án của chú được phát hành lần đầu vào 2015. Sau 9 năm, thị trường thiết kế chữ tại Việt Nam có lẽ đã cải thiện rất nhiều. Chú có cảm thấy quyển sách đã đóng một vai trò lớn không?

Chú thấy rất vui khi ngoài việc các bạn thiết kế ở nước ngoài gửi rất nhiều câu hỏi về kí tự Việt cho chú, những bạn designer trẻ ở Việt Nam cũng tìm hiểu về cuốn sách và coi đây là cơ hội để chính các bạn có thể thiết kế ra một bộ chữ. Giờ đây, chú liên tiếp nhìn thấy những bộ chữ hỗ trợ tiếng Việt nổi lên ở khắp nơi trên thế giới, và chú rất vui khi đã có thể đóng góp một phần nhỏ trong sự thay đổi này.

Có lẽ có khá ít các ghi chép về thiết kế tại Việt Nam. Một lí do lớn trong việc tạo ra quyển tạp chí song ngữ này chính là để thông tin về thiết kế trở nên rộng rãi hơn. Chú đã bao giờ nghĩ đến việc dịch cuốn sách sang tiếng Việt chưa?

Trước tiên, chú cũng đồng ý với việc hiện tại có ít ghi chép về thiết kế tại Việt Nam. Khi chú nghiên cứu cho Vietnamese Typography, chú đã về Việt Nam và tìm các cuốn sách về thiết kế tại Việt Nam và không tìm được gì cả. Cuối cùng thì chú phải dựa vào chính hiểu biết của mình về ngôn ngữ và chữ cái tiếng Việt để có thể hoàn thành luận án của chú. Hơn nữa, có lẽ một điểm trừ trong cuốn sách của chú chính là trong cuốn sách, chú có một danh sách các bộ chữ cỡ nhỏ; không một bộ nào trong danh sách của chú được làm bởi một designer người Việt. Bộ chữ gần nhất với mong muốn của chú có lẽ là Be Vietnam Pro bởi Lâm Bảo, tuy vậy bộ chữ là nguồn mở. Chú muốn hỗ trợ các nhà thiết kế bằng việc mua bản quyền và quảng bá các bộ chữ đó.

Về việc phiên dịch cuốn sách, chú rất thích ý tưởng này, và đã có một bạn thiết kế ngỏ lời trợ giúp trong phần phiên dịch cho chú.

Có lẽ hơi xấu hổ một xíu khi mà các bộ chữ Việt lại không được làm bởi người Việt…

Cũng không hẳn! Các designer này, họ đã thiết kế chữ cả chục năm rồi. Thực sự ngành nghề này vẫn còn rất mới tại Việt Nam, và cần thời gian để phát triển. Chú thực sự không muốn các bạn designer thiết kế ra các bộ chữ trong ngày một ngày hai đâu; một bộ chữ cần đến vài năm để thiết kế và cần rất nhiều sự kiên nhẫn. Ngược lại, có lẽ chú không biết đúng người. Có lẽ chú cũng cần đào sâu hơn và nghiên cứu, tìm tòi về những con người này.

Quá trình thiết kế chữ đòi hỏi phải test rất nhiều. Với những người không biết ngôn ngữ Việt, có lẽ khá khó để test khả năng đọc của bộ chữ; họ không có con mắt tự nhiên để có thể bắt được những lỗi nhỏ này. Liệu họ vượt qua chướng ngại vật này như thế nào?

Chú có thể kể một câu chuyện. Qua thời gian, cuốn sách đã dần trở thành một quyển hướng dẫn cho kí tự Việt, và chú dần nhận được các bộ chữ của các bạn designer trên toàn thế giới để chú có thể nhận xét và đưa ra một số chỉnh sửa. Chú sẽ lướt qua một lượt các dấu thanh, và chỉnh sửa sao cho hợp lý. Đối với người Việt, rất dễ để chúng ta có thể nhìn ra các lỗi nhỏ trong các đoạn văn bản. Một ví dụ chú có thể đưa ra là dấu hỏi; đối với các bộ chữ có chân, chú rất thích dấu hỏi giữ được phần đuôi, một chi tiết mà các bạn designer thường bỏ. Chú luôn đưa ra nhận xét này và các bạn thiết kế rất nhiệt tình trong việc sửa lại bộ chữ.

Bây giờ chú đang làm gì?

Chú vẫn là dân thiết kế web thôi. Sau từng ấy năm thì chú vẫn rất thích thiết kế web và nghệ thuật sắp chữ. Đến tận bây giờ chú vẫn thiết kế, và cũng chỉ có vậy thôi. Đương nhiên chú có các sở thích bên ngoài, như trượt tuyết chẳng hạn, nhưng công việc chính vẫn là thiết kế. Chú rất yêu các trang web và nó giúp chú có thể chia sẻ với rất nhiều người. Cho dù chính trang web cũng đã thay đổi rất nhiều, các con chữ đã giúp chú giữ được sự thích thú qua thời gian.

Liệu chú có lời khuyên nào cho các bạn trẻ muốn thử sức với các con chữ không?

Thiết kế chữ vẫn là một ngành nghề rất mới ở Việt Nam, và chú vẫn luôn thấy các bạn thiết kế tìm tòi khám phá về bộ môn này. Đây chắc chắn là một ngành nghề với rất nhiều sự mới lạ. Lời khuyên của chú có lẽ là hãy nghe theo con tim của mình, kiên nhẫn, và đặt thật nhiều câu hỏi. Cộng đồng thiết kế chữ rất thân thiện; bạn có thể hỏi bất cứ người nào, gửi bộ chữ của mình cho bất cứ ai, và nói chuyện với bất cứ ai!

Đọc bài phỏng vấn bằng tiếng Anh

Cao Nguyên: Vắn

Trong tập thơ mới của anh Cao Nguyên có một bài chỉ trọn vẹn một câu:

vòng tay ôm nặng mảnh đời nhẹ tênh

Đúng với chủ đề Vắn, tuy bài thơ chỉ tám chữ nhưng nói lên được sự nặng nhẹ trong cuộc sống của chúng ta. Có những vần thơ tuy nhẹ nhàng nhưng chất chứa tận đáy lòng:

đêm đêm
đếm lá
trên cây
đếm nhịp
tim gõ
chuỗi lời
vô tâm

Anh Cao Nguyên có vẻ như thích đếm. Hết đếm lá rồi đếm những gì không vui:

chẳng có gì vui
hết rồi vui

tôi quỳ
tôi đếm những không vui

vui đi đâu mất
không về nữa

tôi nhặt lại tôi
lúc chưa vui

Rồi anh lại đếm những hoàng hôn với tâm trạng buồn mang máng

có những
hoàng hôn
có thế thôi

không thương
không nhớ
chẳng bâng khuâng

hững hờ
hờ hững
theo hờ hững

chẳng nhớ
chẳng thương
không bâng khuâng

Dĩ nhiên tập thơ của anh không thể thiếu hình bóng nàng thơ. Tôi còn nhớ đọc tập Thơ mưa lãng mạn của anh. Nhưng giờ đây thơ về nàng sắc bén hơn xưa:

đôi môi nàng
ngọt nụ cười
lưỡi câu bén nhọn
nụ cười con giun

Và đây là một lời nhắc nhở thấm thía:

mai sau
nhỡ có
vô thường
em ơi
nhớ nhé
mình từng
với nhau

Cách anh dùng từ “vô thường” và “từng với nhau” gây sự bất ngờ cho cá nhân tôi.

Đầu năm đón nhận món quà từ anh Cao Nguyên thật đáng quý. Cảm ơn anh và chúc anh luôn khỏe mạnh để tiếp tục sáng tác những bài thơ đẹp cho đời.

Ơn em

Đêm qua đi làm và chơi về muộn nhưng sáng vẫn phải thức sớm đi cày tiếp. Lái xe đi làm, uống bao nhiêu cà phê cũng không tỉnh. Tuy đi xa tốn thời gian nhưng cũng vui. Nghĩ lại cảm thấy cám ơn vợ vô cùng.

Ngày xưa lần đầu vợ hỏi đi học ski với mấy thằng con không. Tôi từ chối vì ngán tuyết. Vợ biết tôi không ngán tuyết mà ngán tiền. Ski không phải là môn thể thao rẻ, nhất là với người mới thử. Lần sau vợ không thèm hỏi nữa, mà đăng kí lớp luôn. Đã trả tiền rồi không học thì mất tiền. Lại tiếc tiền nên tôi đành phải học.

Lần đầu tiên đặt chân lên chiếc thảm thần thoại và trượt trên tuyết, tôi như lạc vào một thế giới mới tôi chưa từng đến. Tưởng nhưng vợ đẩy mình vào địa ngục nhưng lại được lên thiên đàng. Từ lúc đó tốn tiền dài dài cho đến nay.

Cái gì cũng có cái duyên. Nếu không gặp nàng. Không cưới được nàng, mỗi mùa đông về tôi cuộn mình trong chăn như con sâu làm tổ, trong trái vải cô đơn. Giờ đây trời không tuyết tôi cũng lạy trời tuyết phủ kín đường về.

Vài tuần trước tôi tình cờ đi cùng chiếc ghế lift với một ông người Á Châu. Hai chúng tôi cũng chỉ nói vài câu xã giao. Khi xuống lift, chúng tôi cùng chọn đường hai hột xoàn đen (double-black diamond). Ông ski xuống rất điêu luyện. Tôi cũng snowboard theo sau ông. Ông bảo, “Chú snowboard hay lắm”. Tôi trả lời, “Ông cũng ski rất giỏi”.

Hay người lại đi cùng một chiếc ghế lift. Ông nói với tôi, “Lúc trước tôi cũng tập snowboard nhưng té nhiều quá, tôi đã bỏ. Tôi rất phục cậu”. Tôi cười đáp, “Ông vẫn có thể luyện tập”. Ông trả lời, “Tôi 80 tuổi rồi còn tập gì nữa”. Tôi vừa ngạc nhiên vừa nể, “Nỗ lực nào đã khiến ông giờ đây vẫn ski”? Câu trả lời ngắn gọn của ông, “Why not (Tại sao không)”?

Câu trả lời của ông sẽ là động lực cho tôi tiếp tục mỗi mùa đông về. Hy vọng vợ chồng tôi vẫn sẽ ski hoặc snowboard ở tuổi 80. Rồi đây anh sẽ không đưa em về nhà mà cùng dìu nhau trên những đỉnh núi đầy tuyết trắng mộng mơ.

Ngọc Khuê: Dạo chơi

Để kỷ niệm 20 năm album đầu tay của cô ra đời, Ngọc Khuê trở lại với cuộc “Dạo chơi” dân gian hiện đại. Những ca khúc đã đưa tên tuổi cô đến khán giả như “Bên bờ ao nhà mình”, “Chuồn chuồn ớt”, “Giọt sương bay lên”, “Gió mùa về”, và “Bà tôi” được mix lại với những âm hưởng điện tử.

Nghe thì cũng là lạ nhưng nặng về phần điện tử hơn là phần dân gian. Chẳng hạn như “Bên bờ ao nhà mình” trở thành một club hit nhiều hơn là một contemporary mix. Tuy đã 20 năm nhưng tôi vẫn ấn tượng với bài phối dân gian jazz hơn là bài mix mới với phần rap không cần thiết.

Đáng tiếc là cả album đều như thế ngoại trừ “Bà tôi” với bài phối jazz đường phố đầy sáng tạo. Tiếng bass, tiếng percussion, tiếng dương cầm, tiếng sáo hòa quyện vào nhau rất thú vị. Phải chi Ngọc Khuê vẫn theo đường lối jazz nhưng khai thác những âm hưởng mới lạ thì hay biết mấy.

Bốn năm vắng Mẹ

Thưa Mẹ,

Thế là Mẹ con mình bốn năm xa cách. Thời gian rồi cũng xoa dịu nỗi đau trong con. Con phải chấp nhận đời người có sống và có chết. Rồi một ngày con cũng phải ra đi. Tuy nhiên, một điều không thể nào thay đổi là Mẹ vẫn mãi trong con. Không giây phút nào con không nhớ về Mẹ.

Dù hạnh phúc, dù đau buồn, dù gặp may, dù gặp nạn, con vẫn luôn hướng về Mẹ. Những lần trượt tuyết trên đỉnh núi cao, con dừng chân ngồi một mình giữa bầu trời yên lặng, và cảm nhận được Mẹ đang từ trên thiên đàng nhắc nhở con luôn phải cẩn thận. Con vẫn cười và trả lời, “Dạ con biết rồi.”

Mẹ đừng lo lắng cho con nhé. Con đã trưởng thành và còn có trách nhiệm với đàn con. Con hứa sẽ sống hết mình trên cõi tạm này. Dù thành công hay thất bại, con sẽ không để mình gục ngã. Trong gia đình hay ngoài bạn bè, ai thương mến con thì con cảm ơn. Ai ghét con thì con cũng đành chịu, cho dù là người thân thiết. Con không lo lắng gì cả. Cho dù cả thế giới ghét con, con biết Mẹ vẫn thương yêu con, như lời nhạc sĩ Phú Quang viết:

Mẹ là người đầu tiên
Người đàn bà mãi mãi
Không bao giò phản bội
Ngay cả khi con ngu dại một đời.

Con trai cưng của Mẹ,
Doanh

Vũ Thắng Lợi: Hà Nội riêng tôi

Tiếng hát Vũ Thắng Lợi chưa từng nghe qua nhưng cái tên nghe hơi kiêu. Vũ Thắng Lợi có giọng ca trầm ấm và đẹp. Anh hát những ca khúc về Hà Nội với cảm xúc chân thật và những phần hòa âm phối khí cũng chất lượng. Ca khúc “Phố nghèo” của Trần Tiến cũng được phối theo giai điệu blues như version của Trần Thu Hà đã thu âm rất lâu. Cái khác biệt là Vũ Thắng Lợi hát không luyến láy như Trần Thu Hà. Tuy nhiên cái version của anh nó có vẻ thành thật. Anh trình bài hai ca khúc của Phú Quang, “Em ơi Hà Nội phố” và “Hà Nội ngày trở về”, cũng mộc mạc và cảm tình. Hà Nội riêng tôi đáng được thưởng thúc trọn vẹn.

Thù hận

Sau khi gửi lá thư cuối cùng, tôi nhận được sự hồi âm. Thì ra người chị cả đã thù tôi suốt bốn năm qua. Nguyên nhân thì tôi không biết và giờ đây thì cũng không cần phải biết.

Mất đi một người chị lớn đúng là chuyện đáng buồn nhưng đó không phải là sự chọn lựa của tôi. Tôi đã cố gắng bốn năm rồi. Một con người mà ngay cả mẹ ruột khuất bóng mà vẫn căm thù, thì tôi cũng không cần gì phải buồn bã. Loài thú còn biết công ơn cha mẹ huống chi loài người nên tôi không bận tâm những người không bằng loài thú.

Kể từ hôm nay, tôi không còn đắn đo suy nghĩ gì nữa. Có những mối quan hệ nên chấm dứt cho dù máu mủ. Tôi sẽ không để những kẻ không đáng quan tâm khiến tôi suy sụp. Thù tôi, tôi khuyến khích thù tiếp. Tôi xin hứa rằng tôi sẽ sống vui vẻ và hạnh phúc trên sự hận thù của chị.

Lá thư cuối cùng

Chị Hương,

Mẹ mình ra đi đã 4 năm rồi. Mỗi năm vào ngày giỗ mẹ đều vắng mặt chị. Giỗ thứ nhất, em gọi điện thoại và nhắn tin chị, chị không trả lời và cũng không đến thắp một nén hương cho mẹ hay viếng thăm mộ mẹ. Em rất buồn. Giỗ thứ nhì, em gọi chị nhưng số đã bị chặn. Em nhắn tin cũng không thấy trả lời. Em thất vọng vì chỉ một ngày để tưởng nhớ mẹ mà chị cũng không tới. Đến giỗ thứ ba thì em không buồn và không thất vọng nữa cho dù em đã nhắn tin và chị không hồi âm.

Đến giỗ thứ tư năm nay, em hoàn toàn không còn hy vọng nhưng vẫn nhắn tin đến chị. Kết quả vẫn thế. Chị vẫn không trả lời và vẫn không đến để tưởng niệm người mẹ đã mang nặng đẻ đau và đã có công nuôi nấng chị em mình nên người. Với người mẹ ruột đã nằm xuống mà chị còn tuyệt tình đến thế, thì đối với thằng em cùng mẹ khác cha này có tình nghĩa gì. Dĩ nhiên là em nhận thức được điều đó, nhưng em vẫn muốn hàn gắn lại tình chị em. Em luôn mang ơn chị đã bảo lãnh em qua mảnh đất tự do và đầy cơ hội này.

Tuy nhiên, em tôn trọng sự quyết định của chị. Chị không nhìn nhận thằng em này thì em đành phải chấp nhận. Đây là lá thư cuối cùng em gửi đến chị. Từ đây về sau, em sẽ không liên lạc hay làm phiền đến chị nữa.

Giỗ thứ tư của Mẹ

Hôm nay giỗ mẹ, gia đình tụi con về Lancaster cúng giỗ, viếng thăm mộ mẹ, và cùng dùng buổi cơm trưa với bà con mình. Gần đây con ít viết về mẹ nhưng lúc nào trong con cũng nhớ đến mẹ.

Thời gian trôi qua đã giúp con xoa dịu nỗi đau đớn về sự ra đi của mẹ. Đời người rồi cũng phải đến lúc ra đi không tránh được. Con cũng phải chấp nhận để sống thoải mái một chút và không lo sợ gì cái chết sẽ đến.

Cám ơn mẹ luôn phù hộ con mỗi khi con cầu cứu đến mẹ. Phép ẩn của mẹ luôn giúp con và gia đình tai qua nạn khỏi. Mẹ an nghỉ nhé.